Bài 2: Quản lý thị trường, những bước chân truy vết
Bài 1: Cùng nhìn lại những chuyến hàng xưa
Nghe đến cụm từ “bước chân truy vết”, chúng ta có cảm tưởng như đang xem một bộ phim hay đọc một cuốn tiểu thuyết vô cùng thú vị phải không ạ? Vâng, đúng là rất thú vị ạ. Chúng ta có thể hiểu nôm na là mình đang đi tìm một cái gì đó, một sự thật hay một cái gì đang bị che lấp, lẫn trốn, thiếu công khai và minh bạch.
Những “bước chân” đấy không ai khác chính là những đồng chí trong lực lượng Quản lý thị trường của chúng ta và cụm từ “truy vết” đấy là đang tìm các hành vi, đối tượng vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để xử lý. Nghĩa đen của tên bài viết này có lẽ là vậy nhưng điều mà tác giả muốn hướng đến không chỉ đơn giản là mô tả những bước chân này mà đang muốn dẫn người đọc đi vào cái nội tại bên trong nó, đó là cách thức hoạt động của lực lượng trong một giai đoạn lịch sử đã qua.
Khi mà lực lượng chúng ta từng bước được công nhận bằng các văn bản pháp luật, được nhà nước coi trọng, được nhân dân đồng tình ủng hộ nhưng tổ chức bộ máy chưa có nhiều đổi thay (trước ngày 12/10/2018), hay nói cách khác vẫn chỉ là những mảnh ghép rời rạc ở các tỉnh với nhiều tồn tại, hạn chế; nhất là trang thiết bị, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ rất thiếu thốn và lạc hậu trong khi nhiệm vụ chuyên môn khá nặng nề.
Chúng ta từng nhớ có những thời điểm đã có những người phải thốt lên rằng: “Chúng ta tay bo sao bắt được đối tượng buôn lậu, quá nguy hiểm”, rồi thì “phải thử phân bón bằng miệng” .v.v. Đây chỉ là những cách ví von nhưng rất sát thực tế, đó là chúng ta hoạt động mà không có gì để bảo vệ bản thân, để phát hiện hàng hóa vi phạm. Những bước chân mà tác giả muốn nói đến cũng đích thị là những bước chân, bởi chúng ta phải đi hàng chục km, trèo đèo, lội suối, băng rừng bằng chân, đâu đó khá hơn thì bằng xe máy, xe u oát để tìm kiếm đối tượng vi phạm. Vậy những bước chân đó có thực sự mỏi không? Có thực sự hiệu quả không khi gian thương mà chúng ta đang tìm thì vận hành bằng những phương tiện hiện đại hơn. Rồi thì câu chuyện “truy vết” mà chúng ta đề cập đến, liệu có truy vết được không, truy có đúng, có trúng không.
Lực lượng QLTT tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn truy vết, bắt giữ đối tượng vận chuyển 10.000 viên ma túy từ Lào về Việt Nam
Rõ ràng đây là thời kỳ mà lực lượng chúng ta đang chạy theo cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, một khi thiếu thì đương nhiên sẽ yếu. Lực lượng chúng ta với quân số ít ỏi trong khi nhiệm vụ nhiều, địa bàn rộng lớn vậy thì truy vết như thế nào, còn làm được vai trò phòng chống vi phạm không hay chúng ta đang thực sự bị động, để vi phạm diễn ra rồi chúng ta mới truy vết. Một bài toán đặt ra trong nhiều năm mà chúng ta đi giải, liệu có khả thi không? Trong khi gian thương ngày càng tinh vi, khó lường, tốc độ vi phạm ngày càng chóng mặt nhưng sự đổi thay trong lực lượng vẫn chưa bắt kịp với sự vận hành của nền kinh tế, xã hội.
Đó là do những đôi chân truy vết kia đã thực sự mệt mỏi vì thiếu phương tiện, thiếu những gì phải cần và đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Do vậy, tất yếu một lực lượng chính quy, thống nhất, hiện đại sẽ được thành lập để giải bài toán mà bấy lâu chung ta đang lay hoay tìm đáp số. Bài viết sau tác giả sẽ phân tích, đánh giá những bước chuyển mình của lực lượng trong thời gian qua.
(Còn nữa)