Tổng cục QLTT sẽ áp dụng Hệ thống xử lý vi phạm hành chính từ 1/2/2022
64 năm “xếp ghế” viết ấn chỉ
Quyết định kiểm tra; Biên bản kiểm tra; Phụ lục biên bản; Bảng kê; Biên bản tạm giữ; Biên bản niêm phong; Biên bản vi phạm hành chính; Tem niêm phong… là những hồ sơ cơ bản mà 01 Đội hoặc 01 Đoàn Kiểm tra thị trường phải mang theo khi thực hiện 01 cuộc kiểm tra.
Khi đến hiện trường, sau khi công bố Quyết định kiểm tra, song song với việc kiểm tra hàng hóa, các thành viên trong Đoàn sẽ phân chia công chức ngồi “hì hụi” để viết ấn chỉ.
Kiểm soát viên Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hưng Yên ngồi viết ấn chỉ tại cửa hàng kiểm tra
“Có những đồng chí chữ xấu quá, khi về mất rất nhiều thời gian để chúng tôi ngồi dịch lại xem đó là ký tự gì” một Đội trưởng thuộc Cục QLTT Hà Nội chia sẻ.
Một câu chuyện khác, “Trong quá trình kiểm tra phát hiện vi phạm cần phải tạm giữ tang vật vi phạm, Đoàn kiểm tra phải quay ngược về Trụ sở cách địa điểm kiểm tra 30km để lấy Quyết định tạm giữ sau đó mới lập được biên bản tạm giữ tang vật".
Đó là 02 trong số vô vàn câu chuyện cười ra nước mắt mà các đồng chí kiểm soát viên đã gặp phải trong quá trình thực hiện kiểm tra tại cơ sở.
Kiểm soát viên Cục QLTT tỉnh Gia Lai đang ngồi viết ấn chỉ trong 01 vụ kiểm tra
Ảnh: Cục QLTT Gia Lai
Hình ảnh kiểm soát viên cắp chiếc cặp màu đen đầy ắp những sổ sách, giầy tờ khi đến cơ sở kiểm tra đã diễn ra trong suốt 64 năm kể từ khi lực lượng QLTT được hình thành và phát triển. Là một phần hoạt động công vụ không thể tách rời khi thực hiện kiểm tra ngoài hiện trường.
Mang công nghệ số ứng dụng vào hoạt động công vụ
Ngay từ khi được giao trọng trách chèo lái con thuyền Tổng cục, Người đứng đầu lực lượng QLTT đã quyết tâm mang “công nghệ số” bao phủ lên toàn bộ hoạt động của lực lượng QLTT. “Đó là xu hướng tất yếu của thời đại, nếu muốn tồn tại và theo kịp sự đổi thay của xã hội” Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nói.
Làm nhiều hơn nói, hành động minh chứng cho quyết tâm đổi thay. Song song với công tác kiện toàn, ổn định tổ chức, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đã nêu cao vai trò và đặt nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin ngang hàng với nhiệm vụ chuyên môn mà toàn lực lượng QLTT phải triển khai thực hiện. Với quyết tâm đó, chỉ sau vài tháng hoạt động theo mô hình ngành dọc, 100% văn bản đi đến của Tổng cục QLTT được thực hiện trên môi trường điện tử, Hệ thống Cổng thông tin điện tử Tổng cục liên thông 63 Cục QLTT địa phương được triển khai thông suốt, các phần mềm kế toán, phần mềm tổ chức cán bộ, phần mềm thi đua khen thưởng, ….đã được ứng dụng vào hoạt động hàng ngày từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp công chức dễ dàng thống kê, tổng hợp với độ chính xác cao.
Điển hình phải nhắc tới đó là việc triển khai Hệ thống INS. Khởi tạo từ đầu năm 2019, đến 1/12/2020, hệ thống được đưa vào vận hành chính thức để kiểm soát viên làm quen với việc nhập dữ liệu, phát hiện những tồn tại, thiếu xót để chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với hoạt động thực tế.
“Giai đoạn đầu triển khai anh em vướng rất nhiều thứ, từ trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, sự am hiểu ở lĩnh vực công nghệ thông tin, đến máy móc, thiết bị, công cụ hỗ trợ...Thêm vào đó, tâm lý ngại thay đổi từ cái cũ sang cái mới khiến cho không ít Đội đã có tâm lý ngại ngùng trong thực hiện” đồng chí Ngô Khánh An, công chức phụ trách mảng Công nghệ thông tin tại Tổng cục QLTT chia sẻ.
Toàn bộ những vướng mắc trong quá trình triển khai nhập dữ liệu vào Hệ thống INS đều được Tổng cục QLTT hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý
“Khi mới triển khai hệ thống INS, một ngày tôi tiếp trên dưới 100 cuộc điện thoại để giải đáp những vướng mắc cho anh em trong quá trình thao tác nhập dữ liệu vào hệ thống” đồng chí An chia sẻ.
Rất nhiều cuộc tập huấn cũng được Tổng cục QLTT tổ chức để giải đáp những vướng mắc cho toàn lực lượng. Chương trình dần đi vào quy củ và thuận lợi hơn từ giữa năm 2021.
“Không có bất kỳ lý do gì để biện minh cho việc không sử dụng và không biết sử dụng hệ thống INS. Nếu không thể thực hiện, các đồng chí có thể đứng sang một bên cho các đồng chí khác làm. Còn nếu xác định ở cương vị này, hãy quyết tâm trau dồi kỹ năng, kiến thức để làm cho tốt” Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh quả quyết trong cuộc tập huấn triển khai Hệ thống INS diễn ra giữa năm 2020.
Được nâng cấp từ tổ chức cũ, rất nhiều anh em kiểm soát viên tại các đơn vị gặp khó trong thao tác về máy tính. Tuy nhiên, trước quyết tâm đổi mới của Người đứng đầu lực lượng, nhiều cuộc tập huấn đã được diễn ra “Tổng cục tập huấn cho các Cục QLTT. Các Cục về tập huấn cho Lãnh đạo các Phòng, Đội. Lãnh đạo các Đội tập huấn cho anh em kiểm soát viên trong Đội mình” đó là những cuộc tự trau dồi, trang bị kỹ năng, kinh nghiệm được các Cục, các Đội QLTT triển khai trong năm qua, ông Vũ Quốc Khánh, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hà Giang chia sẻ.
“Đến nay, anh em tại các Đội đã thực hiện nhuần nhuyễn và tự tin trong từng thao tác của Hệ thống INS. Sẵn sàng cho việc áp dụng hệ thống trong thi hành công vụ” ông Khánh tự tin.
Ông Vũ Quốc Khánh - Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hà Giang dễ dàng theo dõi, giám sát các vụ việc được các Đội QLTT xử lý trong ngày
Tiên phong trong chuyển đổi số ở lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính
"Đi tắt, đón đầu", sau 02 năm triển khai, hệ thống INS đã hoàn thiện và tương thích với sự thay đổi của hệ thống quy phạm pháp luật mới, đặc biệt tại Nghị định 118/NĐ-CP ngày 23-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, Hệ thống INS của Tổng cục QLTT sẽ chính thức có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1/2/2022. Kể từ thời điểm này, các Đoàn kiểm tra, các Đội QLTT thực hiện hoạt động công vụ thay vì mang một cặp tài liệu với vô số sổ sách sẽ mang theo 01 Laptop. Toàn bộ thao tác sẽ được thực hiện trên máy tính. Song song với quá trình kiểm tra, các thông tin sẽ được cập nhật trực tiếp trên hệ thống theo từng quy trình với các biểu mẫu liên thông, liên kết với nhau từ đó hạn chế thấp nhất việc bỏ qua các bước kiểm tra dẫn đến quá trình khiến kiện, khiếu nại.
Hệ thống INS có hiệu lực từ 1/2/2022, tất cả các thao tác sẽ được thực hiện và lưu trữ trên máy tính.
Ảnh: Cục QLTT Đắk Lắk
“Tổng Cục trưởng sẽ là người nắm rõ tất cả các vụ việc kiểm tra, các dấu hiệu, hành vi, các cá nhân, tổ chức vi phạm trong ngày diễn ra trên địa bàn cả nước. Theo phân cấp đó, Cục trưởng các Cục QLTT cũng sẽ lắm được vụ việc kiểm tra trên địa bàn tỉnh. Đội trưởng sẽ nắm được các vụ việc kiểm tra trên địa bàn Đội quản lý từ đó tăng kiểm soát theo phân cấp, tăng tính giám sát của cấp trên đối với cấp dưới để hạn chế mức thấp nhất sai sót xảy ra” đó là một trong những lợi thế của Hệ thống INS được Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ.
Với hệ thống này, các hành vi kiểm tra không đúng kế hoạch, làm sai quy trình sẽ được hạn chế đến mức tối thiểu. Đặc biệt, hệ thống sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần vào công tác quản lý địa bàn, dễ dàng xác định các hành vi tái phạm của các tổ chức, cá nhân mà lực lượng QLTT trong cả nước đã kiểm tra, xử lý. Đồng thời, việc triển khai Hệ thống INS là nền tảng cơ bản để liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
“Khó khăn trong triển khai là rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi không kể ra ở đây, bởi đã quyết tâm làm là phải khắc phục. Những lợi ích, điểm mạnh của Hệ thống INS là rất rõ. Vì vậy, để hướng tới cái chính quy, chuyên nghiệp thì bên cạnh chuẩn hóa hoạt động công vụ thì tác phong của người cán bộ thực thi cũng vô cùng quan trọng thể hiện sự chuyên nghiệp và gần gũi với người dân và doanh nghiệp” đó là hình ảnh chúng tôi đang dần hướng tới.
Đến nay, các thao tác nhập và xử lý dữ liệu trên hệ thống đã được thực hiện nhuần nhuyễn.
Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công vụ được Tổng cục QLTT thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi số. Việc cập nhật tất cả các dữ liệu lên hệ thống giúp việc xử phạt về vi phạm hành chính của lực lượng QLTT đảm bảo sự chính xác, đúng quy trình. Chưa kể, hệ thống cũng sẽ giảm thiểu ngân sách rất lớn cho khoản in mẫu ấn chỉ sẵn. Đây được coi như là bước tiên phong trong chuyển đổi số ở lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính của bộ máy công quyền hiện nay mà lực lượng QLTT đã triển khai thành công sau 02 năm xây dựng.
STT |
Hệ thống INS |
Ấn chỉ truyền thống |
1 |
Công cụ tác nghiệp nhỏ gọn, lịch sự |
Cồng kềnh các hồ sơ, thủ tục, giấy tờ phải mang theo khi thực hiện kiểm tra dễ dẫn đến tình trạng quên, thiếu những giấy tờ, thủ tục phát sinh trong quá trình hoạt động công vụ |
2 |
Hệ thống biểu mẫu chung được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống cảnh báo khi trùng tổ chức vi phạm, hành vi vi phạm |
Việc thống nhất biểu mẫu, cách viết là rất khó. Đôi khi viết sai dẫn đến tình trạng tẩy, xóa, hư hỏng, hoặc làm mất ấn chỉ. Khó xác định được các đối tượng, tổ chức cùng hành vi vi phạm trên các địa bàn khác nhau |
3 |
Phải thực hiện theo đúng quy trình, từng bước bới các biểu mẫu trên hệ thống liên kết với nhau, phải làm từng bước một. Hạn chế thấp nhất sự khiếu kiện của đối tương vi phạm |
Có thể rút gọn hoặc bỏ qua một số quy trình nếu không được kiểm tra, giám sát. |
4 |
Thông tin vụ việc được cập nhật tức thời tại thời điềm kiểm tra |
Có độ trễ trong việc nắm bắt vụ việc bị kiểm tra, xử lý từ cấp độ quản lý |
5 |
Dễ dàng giám sát, tổng hợp báo cáo, thống kê về những mặt hàng, lĩnh vực, số liệu vi phạm |
Khó khăn trong việc giám sát; Mất thời gian trong thực hiện số liệu thống kê, báo cáo. |